Hiệp hội VATAP đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định trong hoạt động kinh doanh
Hiệp hội VATAP đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định trong hoạt động kinh doanh
Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) vừa có công văn gửi Bộ Công Thương; Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương phúc đáp về việc đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương năm 2025.
Lãnh đạo Hiệp hội VATAP họp cho ý kiến về việc đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định trong hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương năm 2025
Trước đó, ngày 5/7/2024, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) nhận được Công văn số 4728/BCT-PC của Bộ Công Thương về việc đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương năm 2025.
Ngày 1/8/2024, Hiệp hội VATAP tổ chức họp, thảo luận, lấy ý kiến của Ban Chấp hành cùng toàn thể các hội viên trực thuộc liên quan đến nội dung trên. Qua đó, Hiệp hội VATAP tham gia đề xuất một số nội dung sau:
Thứ nhất, công tác cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh là việc làm rất quan trọng và cần thiết rà soát thường niên, để góp phần tích cực vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh phát triển;
Thứ hai, Hiệp hội VATAP đề nghị sửa quy định: tại Điểm a, Khoản 7, Điều 3, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cụ thể sửa lại là: “a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng”
Nội dung đề nghị bỏ là: “hoặc có giá trị sử dụng, côg dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký”;
Lý do: Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký gồm có 2 loại:
Có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
Đây là “Hàng giả” được quy định tại Điểm b, Khoản 7, Điều 3 Nghị định số: 98/2020/NĐ-CP. Chế tài áp dụng cho hành vi kinh doanh hàng giả theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.
Có tất cả các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa đạt mức từ 70% trở lên so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.
Có 2 trường hợp cho loại trên: a) Là hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; b) Là hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Chế tài áp dụng cho hàng hóa vi phạm chất lượng khi lưu thông trên thị trường theo Điều 20 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Như vậy, nếu bỏ nội dung theo đề nghị trên sẽ xác định rõ ràng hành vi vi phạm và bảo đảm xử lý đúng mức hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.