Tác giả: Thiên Trường - 15/05/2024
A A
Trách nhiệm nêu gương người đứng đầu trong vụ sách giáo khoa giả
chống hàng giả, chong hang gia, Trách nhiệm nêu gương người đứng đầu trong vụ sách giáo khoa giả

Hiện nay, tình trạng làm giả xuất bản phẩm phục vụ dạy và học trong nhà trường như sách giáo khoa, sách bổ trợ, các loại sách tham khảo, bản đồ – tranh ảnh giáo dục, đĩa CD nghe nhìn giáo dục… đang trở nên báo động...

Ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Theo đó, sẽ miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng; trường hợp xảy ra nghiêm trọng thì xem xét từ chức.

Ðấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí - luôn là chủ đề được Nhân dân, cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tại các buổi tiếp xúc cử tri của các lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Quốc hội, nhất là cuộc tiếp xúc cử tri trước, sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong những ngày qua tại Hà Nội và Ðà Nẵng đã cho thấy, mỗi thông tin về công tác quan trọng này luôn được người dân, cử tri trân trọng đón nhận và mong chờ.

Nhắc lại câu thành ngữ: "Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi" - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, thời gian qua, chúng ta đã phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần: Sâu chỗ nào, dột chỗ nào, thì xử lý ngay chỗ đó. Thời gian gần đây, thậm chí chúng ta đã làm chặt chẽ hơn, quyết liệt hơn, sâu sắc hơn.

Ông Trần Hùng (áo trắng) trong phiên toà sáng nay

Chủ tịch nước chia sẻ: Trước đây, có ý kiến cho rằng, chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực còn “tắm từ vai trở xuống” - tức là chỉ xử lý những người trực tiếp sai phạm, gây ra thất thoát tài sản của Nhà nước, của tập thể. Trước đây, chúng ta chống tham nhũng, nhưng chỉ “nóng” ở trên, song ở dưới thì “lạnh”... Nhưng bây giờ, chúng ta đã xử lý đến trách nhiệm của cả người đứng đầu không sâu sát, không chặt chẽ, để cho bộ máy của mình, cấp dưới của mình vi phạm, gây thất thoát ngân sách nhà nước, làm mất uy tín của Ðảng, Nhà nước đối với Nhân dân.

Trở lại vụ việc của ông Trần Hùng, cựu Tổ trưởng Tổ công tác 304 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội ‘Nhận hối lộ” với khung phạt tối đa đến 15 năm tù giam.

Đây là một vụ án được đông đảo cử tri cả nước quan tâm, vì người làm công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái lại đi tiếp tay cho sản xuất hàng giả bằng cách giúp sức cho đối tượng sản xuất sách giáo khoa giả thay đổi lời khai nhằm thoát truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ đó, để lại hậu quả vô cùng lớn tới xã hội như gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng việc tiếp nhận kiến thức của bao thế hệ học sinh.

Việc ông Trần Hùng bị truy tố - đã gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân, cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, biểu hiện rõ nhất của tiêu cực là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.

Và theo quy định của Đảng, sẽ miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng; trường hợp xảy ra nghiêm trọng thì xem xét từ chức.

Dư luận cho rằng:

Việc ông Trần Hùng vi pháp pháp luật trong khi đang là Tổ trưởng Tổ công tác 304 (Tổng cục Quản lý thị trường), thì người đứng đầu Tổng Cục Quản lý thị trường là ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường không thể vô can.

Lực lượng chức năng kiểm tra một địa điểm sản xuất sách giáo khoa giả

Theo PGS. TS. Ngô Thành Can, giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính quốc gia, khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, thì người đứng đầu không thể vô can.

“Thực tế, đã có hiện tượng cấp trên bao che, dung túng cho cấp dưới, vì vậy, lần này chúng ta quy định chặt chẽ - sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh, cảnh báo đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nếu cán bộ tự thấy mình không còn phù hợp với vị trí, phạm vào một trong các quy định, thì nên từ nhiệm. Điều này, đánh vào ý thức của người đứng đầu”, ông Ngô Thành Can cho biết.

Theo ông Ngô Thành Can, Quy định của Bộ Chính trị khơi dậy lương tâm, đạo đức và trách nhiệm của người đứng đầu. Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có ý thức thực hành và phải chịu trách nhiệm về những hoạt động liên quan đến sự quản lý, điều hành của mình.

Việc Đảng ta giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, cho cán bộ, đảng viên thôi giữ chức vụ, dù ở cương vị nào - là để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, là việc làm thường xuyên ngay từ khi Đảng mới ra đời. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng gắn liền công tác cán bộ.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những nhiệm kỳ qua, Trung ương Đảng đã cụ thể hóa bằng nhiều quy định, chỉ thị, kết luận quan trọng. Gần đây, công tác này càng được Đảng ta quan tâm, đổi mới với chủ trương không chờ đến lúc để xảy ra sai phạm lớn, hậu quả nghiêm trọng mới xem xét, kỷ luật cán bộ, đảng viên, mà xem xét năng lực, uy tín ngay trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu và tính tự giác với các hình thức từ chức, miễn nhiệm...

Dư luận lên tiếng rằng:

Trước vi phạm nghiêm trọng của ông Trần Hùng, đề nghị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc xem xét trách nhiệm của Đảng bộ cơ quan Tổng cục Quản lý thị trường trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và công tác cán bộ, việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống... đồng thời, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với tổ chức cấp dưới.

Bên cạnh đó, kiểm tra việc giám sát tổ chức Đảng gắn với trách nhiệm người đứng đầu, trong đó tiếp tục tập trung vào việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ; công tác tổ chức, cán bộ; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành và thực hiện thể chế, chính sách, quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước; thực hiện các dự án đầu tư; việc kê khai tài sản, thu nhập... 

Trong bối cảnh hiện nay, việc thi hành kỷ luật nghiêm minh và thường xuyên - sẽ củng cố sức mạnh và vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng, vun đắp niềm tin trong cán bộ, đảng viên, và Nhân dân.

CÁC TIN KHÁC