Tác giả: Nguyễn Kiên - 19/04/2024
A A
Hiệp hội VATAP tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Thương hiệu Việt Nam
Hiệp hội VATAP tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Thương hiệu Việt Nam

Sáng 19/4, tại Trung tâm Hội nghị số 37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4); trao Bằng khen, chứng nhận và biểu trưng cho các doanh nghiệp tiêu biểu.

Dự lễ kỷ niệm về phía các vị khách mời có: Ông Nguyễn Kỳ Minh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức, Ban Kinh tế Trung ương; Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Đỗ Hồng Trung; Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ, Tạ Tấn; Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, Phạm Khắc Huy; nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) Đinh Hữu Phí; bà Trịnh Minh Hà, Vụ I, Văn phòng Chính phủ...

Chủ tịch Hiệp hội VATAP Nguyễn Đăng Sinh phát biểu tại lễ kỷ niệm

Về phía Hiệp hội VATAP có: Nguyên Chủ tịch Hiệp hội, Lê Thế Bảo; Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Đăng Sinh; các Phó Chủ tịch Hiệp hội VATAP: Ông Phạm Xuân Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội, Phó Chủ tịch Tập đoàn Toàn Cầu; ông Vũ Đức Thuận, Tổng Biên tập Tạp chí Thương hiệu và Công luận; ông Nguyễn Viết Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm, ông Trịnh Văn Ngọc, ông Nguyễn Xuân Ngọc; Tổng Thư ký Hiệp hội, Trần Hương Giang, Chánh Văn phòng Hiệp hội, Lê thị Linh cùng đông đảo doanh nghiệp và lãnh đạo các viện, trung tâm trực thuộc Hiệp hội.

Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Hiệp hội VATAP, Nguyễn Đăng Sinh gửi lời cảm ơn lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã nhiệt tình, hưởng ứng, tham gia lễ kỷ niệm Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4).

Chủ tịch Hiệp hội VATAP chia sẻ: “Với vai trò là tổ chức xã hội có chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu, chống hàng giả, hàng nhái, Hiệp hội VATAP định kỳ tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4) hằng năm trang trọng và ý nghĩa, với mục đích góp phần tôn vinh và khẳng định giá trị thương hiệu Việt” - nhắc nhở từng doanh nghiệp, người tiêu dùng và mỗi chúng ta trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đóng góp tích cực trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển đất nước”.

Chủ tịch Hiệp hội VATAP nhấn mạnh, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu đã thu hút được sự quan tâm và đầu tư xứng đáng của cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã xác định đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của vấn đề xây dựng, phát triển thương hiệu, cũng như hoàn thiện về mặt thủ tục pháp lý như: đăng ký sở hữu trí tuệ, bản quyền… để bảo vệ thương hiệu của mình.

Ngày Thương hiệu Việt Nam được Chính phủ chọn vào ngày 20/4 hằng năm cũng nhằm mục đích để xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng và có khả năng cạnh tranh cao, tạo được uy tín đối với thị trường trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp Việt hiện nay đã và đang chú trọng xây dựng mô hình quản trị với chiến lược xây dựng thương hiệu làm nòng cốt. Không chỉ bằng lý luận mà quan trọng hơn là bằng những kết quả thực tế trên tinh thần thấu hiểu bản chất của thị trường, cạnh tranh và nhận thức cơ hội phát triển.

Mô hình phát triển thương hiệu Việt đã được kế thừa những giá trị vốn có với sự đổi mới tư duy trong bối cảnh của cạnh tranh và những xu hướng mới như: cấu trúc sản phẩm và thương hiệu; hệ thống nhận diện mới; chiến lược sản phẩm và thương hiệu chủ lực; chiến lược mở rộng thị trường và nghiên cứu sản phẩm mới…     

Nhờ có định hướng cụ thể, rõ ràng và đầu tư bài bản, nhiều thương hiệu Việt đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và giành được niềm tin của khách  hàng.

Đứng trước thách thức lớn của thời kỳ hội nhập toàn cầu hoá, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tiếp tục phát huy thế mạnh; không ngừng đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, thương mại điện tử trong việc quản trị doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường.

 

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Đỗ Hồng Trung phát biểu

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Đỗ Hồng Trung đánh gia cao vai trò, nhiệm vụ hoạt động của Hiệp hội VATAP thời gian qua. Hiệp hội thường xuyên quan tâm, định kỳ tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4) và tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng ngày này.

Ông Đỗ Hồng Trung nhấn mạnh: Ngày 11/4/2008, sau khi xét đề nghị của Bộ Công Thương tại Văn bản số 2522/BCT-XTTM ngày 31/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tại Thông báo số 2343/VPCP-KTTH về việc lấy ngày 20/4 hằng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan chức năng, hiệp hội, ngành hàng, sau 16 năm, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng có nhiều sản phẩm, hàng hóa gắn với thương hiệu Việt - khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hằng năm, Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4) là dịp để vinh danh các thương hiệu Việt; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội về vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu; đồng thời khơi dậy nỗ lực của các ngành, các cấp trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, góp phần tích cực vào việc nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ thương hiệu trên môi trường số, ông Đỗ Hồng Trung đề nghị các doanh nghiệp: Không ngừng nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm hàng) trong việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu;

Tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các chủ thể quyền với các cơ quan thực thi, chủ sàn thương mại điện tử trong việc cung cấp hàng thật, kỹ năng nhận biết hàng hóa giả mạo, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ; tăng cường công tác bảo hộ nhãn hiệu; xây dựng thương hiệu đi đôi với bảo vệ thương hiệu bằng việc bảo vệ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp; các doanh nghiệp tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng thực thi để cung cấp thông tin nếu nhãn hàng, thương hiệu của doanh nghiệp bị xâm phạm; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, nâng cao năng lực, hướng tới việc xây dựng văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong toàn xã hội, hướng tới việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp ý thức được đầy đủ các lợi ích của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu đối với sự phát triển của doanh nghiệp...

Tổng giám đốc Công ty TNHH quốc tế Trà Tiên Thảo, Nguyễn Hà Thu phát biểu.

Chia sẻ tại Lễ kỷ niệm, Tổng giám đốc Công ty TNHH quốc tế Trà Tiên Thảo, Nguyễn Hà Thu (doanh nghiệp hội viên Hiệp hội VATAP) cho biết: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tính cạnh tranh cao, việc xây dựng, phát triển, quảng bá và bảo vệ thương hiệu có ý nghĩa sống còn đối với mỗi doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Thời gian qua, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ và thiếu tính chuyên nghiệp, đồng bộ. Do đó, cần phải có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để xây dựng và bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tính cạnh tranh cao đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược xây dựng, phát triển, quảng bá và bảo vệ thương hiệu ngay từ thị trường trong nước. Nội dung các chiến lược thương hiệu không được định vị một cách rõ ràng, dẫn đến hiệu quả của việc xây dựng và phát triển thương hiệu không cao.

Tổng giám đốc Công ty TNHH quốc tế Trà Tiên Thảo chia sẻ một số kinh nghiệm xây dựng thương hiệu bền vững của công ty, dựa vào 3 yếu tố, đó là: Gắn kết mọi người vì cuộc sống tốt đẹp; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người tiêu dùng, nhân viên, nhà cung ứng, đại lý các cấp, và toàn hệ thống quý khách hàng là một trong những yếu tố đưa thương hiệu đến sự bền vững. Toàn bộ cơ chế này sẽ được kết nối với nhau bởi những giá trị sẻ chia. Nếu các bên liên quan được thương hiệu chăm sóc tốt cho đến khi sự cộng tác dựa trên những giá trị sẻ chia, họ sẽ cống hiến và phát triển theo chiều hướng tích cực. Vì vậy, các chiến lược thương hiệu có mục tiêu bền vững phải có mối quan hệ tốt đẹp với những bên liên quan.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm

Cùng giải quyết những vấn đề của xã hội. Mỗi người đều có trách nhiệm với xã hội theo cách riêng - thương hiệu cũng vậy. Để đạt được sự bền vững, tất cả đều phải hợp tác với nhau. Điều này không chỉ vì lợi ích của người tiêu dùng hay thương hiệu mà cho toàn xã hội bền vững. Thương hiệu bền vững là thương hiệu có được lợi nhuận từ việc kinh doanh. Doanh nghiệp tạo ra giá trị thương hiệu bằng cách đưa ra những sản phẩm và dịch vụ chất lượng liên quan đến con người và xã hội.

Chương trình Lễ kỷ niệm ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4/2024 được tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đồng thời tôn vinh những thương hiệu đã khẳng định được uy tín, chất lượng, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao; góp phần không nhỏ đưa thương hiệu của đơn vị mình ngày càng phát triển, có đóng góp tích cực cho nền kinh tế và cộng đồng.

Lãnh đạo Hiệp hội VATAP trao Bằng khen cho đại diện các doanh nghiệp có thành tích đóng góp vào sự phát triển chung của hội hội

Quang cảnh lễ kỷ niệm

Thông qua Chương trình, Ban Tổ chức cũng lựa chọn và khen thưởng, khích lệ những doanh nghiệp đã tích cực trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu; đồng thời ghi nhận, biểu dương những thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong cả nước, nhằm khuyến khích và cung cấp thông tin đến người tiêu dùng biết và lựa chọn.

Tại Chương trình, Hiệp hội VATAP cũng tổ chức Lễ kết nạp Hội viên mới và trao Bằng khen, chứng nhận và biểu trưng cho các doanh nghiệp tiêu biểu.

CÁC TIN KHÁC